Đoàn Khối Các Cơ Quan Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang
Liên kết website
Số lần đọc: 102
Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba (Huế) và Đại úy Hoàng Ngọc Linh, người bác sĩ mang quân hàm xanh góp phần giữ vững thế trận lòng dân nơi biên cương Tổ quốc là hai trong nhiều gương điển hình học tập và làm theo Bác.

Hơn 2 năm qua, việc triển khai thực hiện Kết luận số 01 của Bộ Chính trị khóa XIII về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05 “về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã được các cấp ủy, tổ chức đảng trên cả nước thực hiện một cách nghiêm túc, bài bản. Qua đó xuất hiện nhiều cách làm chủ động, linh hoạt, sáng tạo, nhiều mô hình mới, cách làm hay ở nhiều địa phương, góp phần thúc đẩy việc hoàn thành các chỉ tiêu KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.

Nữ "thủ lĩnh" tiêu biểu của ngôi chợ hơn 120 năm tuổi

Bà Hoàng Thị Như Thanh, Trưởng ban Quản lý chợ Đông Ba, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế - người xây dựng chi bộ tiểu thương đầu tiên tại Thừa Thiên - Huế là một trong những điển hình học tập và làm theo Bác.

 

Chia sẻ về việc thành lập chi bộ tiểu thương đầu tiên tại chợ Đông Ba, Thừa Thiên Huế, bà Hoàng Thị Như Thanh cho biết, xuất phát từ thực tế chợ Đông Ba thời điểm đó có rất nhiều vấn đề tồn tại và tổ chức Đảng của chợ thật sự cần có những tiểu thương là đảng viên dám nghĩ, dám nói, dám làm, để cùng với lãnh đạo Ban quản lý xây dựng chợ; đặc biệt là từ gợi ý của các lãnh đạo thành phố “có nên hay không giới thiệu một số quần chúng ưu tú là tiểu thương đang buôn bán trong chợ vào Đảng”...

Xác định đây là việc rất khó khăn, tuy nhiên, với tinh thần là một đảng viên, bà luôn xác định chỉ đạo của cấp trên dù khó hay dễ vẫn phải cố gắng thực hiện cho tốt.

Thực tế thời gian qua, chi bộ đã giới thiệu 18 tiểu thương ưu tú tham gia lớp nhận thức về Đảng. Ngày 3/2/2023, Chi bộ Ban quản lý chợ Đông Ba đã kết nạp một tiểu thương đầu tiên vào Đảng. Đây là sự kiện ý nghĩa ở ngôi chợ có lịch sử hơn 120 năm. 

“Đến thời điểm hiện tại, Đảng bộ chúng tôi đã có 31 đảng viên với 5 chi bộ trực thuộc, trong đó có 2 đảng viên là tiểu thương. Thời gian qua, các đảng viên là tiểu thương đã có tiếng nói, có đóng góp rất lớn vào sự thay đổi của chợ”, bà Thanh chia sẻ.

Theo bà Hoàng Thị Như Thanh, khi nhận nhiệm vụ tại chợ Đông Ba, quan điểm của bà là về đây không phải để làm thủ trưởng, mà phục vụ tiểu thương, hỗ trợ bà con trong việc buôn bán, kinh doanh tại chợ. Với vai trò Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Quản lý chợ, bà Thanh đã xây dựng mối quan hệ gắn bó chặt chẽ giữa tổ chức đảng, Ban Quản lý với tiểu thương.

Bà đã cùng Đảng ủy lãnh đạo các đoàn thể tại chợ luôn lắng nghe các tâm tư, tình cảm của tiểu thương, đi sâu đi sát, luôn “học dân, hiểu dân”, thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; cùng với đó là giải quyết hiệu quả các vấn đề trọng tâm, bức xúc trong thực tiễn như tình trạng chèo kéo, vệ sinh an toàn thực phẩm tại chợ...

Chỉ trong thời gian ngắn, chợ Đông Ba đã có sự thay đổi đáng kể, tình hình trên địa bàn chợ luôn được ổn định, tạo điều kiện cho tiểu thương yên tâm kinh doanh, mua bán.

“Bà con tiểu thương chợ Đông Ba bây giờ mặc áo dài đến chợ. Ban quản lý chợ cũng tổ chức rất nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, kể cả chương trình thiện nguyện để bà con tiểu thương và Ban quản lý có sự gắn kết với nhau. Bên cạnh đó, tiểu thương đã đồng hành cùng Ban quản lý chợ trả lại tất cả diện tích lấn chiếm. Hiện nay, người dân đến chợ không còn thấy hình ảnh chật chội nữa mà thay vào đó là hình ảnh rất thoáng, đẹp ở chợ Đông Ba. Người ta còn ví đến thăm chợ Đông Ba như đến thăm một ngôi chợ ở nước ngoài”, bà Thanh chia sẻ.

Thầy thuốc quân hàm xanh ở vùng biên giới Ia RVê, Đắk Lắk

Đại úy Hoàng Ngọc Linh, Đồn Biên phòng Ia Rvê, Bộ đội Biên phòng tỉnh Đắk Lắk, người bác sĩ mang quân hàm xanh góp phần giữ vững thế trận lòng dân nơi biên cương Tổ quốc cũng là một trong nhiều tấm gương điển hình học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Anh Hoàng Ngọc Linh chia sẻ, sau khi được điều động về Đồn biên phòng Ia Rvê, huyện biên giới Ea Súp (Đắk Lắk), anh đã tận mắt chứng kiến sự thiếu thốn, khó khăn về thuốc men, trang thiết bị vật tư y tế ở đây, chứng kiến nhiều trường hợp bệnh nhân không có tiền mua thuốc men hay chuyển về bệnh viện lớn để chữa bệnh và phải chịu bị tàn phế hay tử vong oan uổng.

Xuất phát từ khó khăn đó, bản thân anh rất ray rứt, nghĩ phương án không có thuốc tây thì vẫn phải chữa được bệnh cho bà con vùng biên giới. Để làm được điều đó, anh đã vận dụng những kiến thức được học trong trường, cùng với sự nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi, anh đã kiên trì thực hành phương pháp chữa bệnh bằng đông y – châm cứu và thuốc nam.

Những ngày tháng miệt mài vừa học vừa làm việc, bản thân anh đã cứu chữa được hàng trăm trường hợp bằng phương pháp châm cứu không dùng thuốc.

Đại úy Hoàng Ngọc Linh chia sẻ, đặc thù khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, thời tiết khắc nghiệt, đường sá hiểm trở, phần đông đồng bào dân trí thấp, kinh tế cực kỳ khó khăn. Tuy nhiên, bằng tất cả tấm lòng của một lương y, anh đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thách thức, âm thầm hàng ngày, hàng giờ cùng với túi cứu thương đi khắp các buôn làng gần, xa để cùng ăn, cùng ở, cùng nói tiếng đồng bào để chữa bệnh cho bà con nhân dân, tuyên truyền đồng bào giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện ăn chín uống sôi, tuyên truyền công tác phòng chống dịch COVID- 19.

Với những nỗ lực trong quá trình công tác, Đại úy quân y Hoàng Ngọc Linh đã được nhiều cấp, ngành trao tặng những phần thưởng cao quý, đồng đội, bà con nhân dân yêu thương tin tưởng.

“Chúng tôi mong muốn các cấp, ngành quan tâm hơn nữa tới đời sống của bà con vùng biên giới để làm sao có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị chăm sóc, chữa bệnh được tốt nhất để bà con yên tâm lao động sản xuất, cùng với Bộ đội Biên phòng tham gia bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, góp phần xây dựng quê hương vững mạnh, phát triển”, Đại úy Hoàng Ngọc Linh chia sẻ./.

 

VOV
Chi đoàn VP UBND tỉnh (st)


Tin liên quan