Đoàn Khối Các Cơ Quan Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang
Liên kết website
Số lần đọc: 715

      TỈNH ĐOÀN KIÊN GIANG                                                             ĐOÀN TNCS HỒ CHÍ MINH

BCH ĐOÀN KHỐI CÁC CƠ QUAN                                 Rạch Giá, ngày 14 tháng 9 năm 2017

                           ***

                 Số:  01 -QC/ĐTN

 

QUY CHẾ

Làm việc của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ

khóa VI, nhiệm kỳ 2017-2022

----------

 

          Căn cứ vào điều lệ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.   

          Căn cứ vào quyết định số 625-QĐ/TĐTN ngày 05 tháng 09 năm 2017 của Ban Thường vụ tỉnh Đoàn Kiên Giang về việc công nhận Ban chấp hành Đoàn Khối khoá XII, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

          Ban Chấp hành Đoàn Khối xây dựng quy chế làm việc với những nội dung cụ thể như sau:

CHƯƠNG I:

NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG

 

Điều 1: Nguyên tắc chung:

1- Ban chấp hành Đoàn Khối là cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội đại biểu của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh toàn Khối. Ban chấp hành có nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh  Khối khóa VI, nhiệm kỳ 2017-2022.

2- Ban chấp hành Đoàn Khối lãnh đạo theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; cá nhân phục tùng tổ chức, thiểu số phục tùng đa số; cấp dưới phục tùng cấp trên.

 

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN

 

Điều 2: Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Chấp hành  Khối:

1- Ban Chấp hành Đoàn Khối khóa VI có trách nhiệm lãnh đạo công tác đoàn và phong trào thanh niên của Khối cho đến Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh Đoàn Khối lần thứ VII bầu Ban chấp hành mới, bảo đảm cho đường lối, chính sách của Đảng, Nghị quyết của Đoàn cấp trên và của cấp mình được thực hiện nghiêm chỉnh và đầy đủ tại địa phương. BCH có trách nhiệm tham gia đóng góp, xây dựng đường lối, chính sách của Đảng và Nghị quyết của Đoàn cấp trên.

2- Quyết định những chủ trương, biện pháp, chương trình công tác Đoàn và phong trào thanh niên và những vấn đề lớn về công tác xây dựng tổ chức Đoàn. Quyết định những biện pháp thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương đoàn, Tỉnh đoàn và theo sự chỉ đạo của cấp trên; trường hợp chủ trương, nghị quyết đó phải triển khai, thực hiện ngay, nếu chờ thông qua Ban Chấp hành sẽ chẫm trễ thì giao cho Ban Thường vụ lãnh đạo việc triển khai thực hiện và báo cáo cho Ban Chấp hành trong phiên họp gần nhất.

3- Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ giữa nhiệm kỳ (theo chỉ đạo của cấp trên), báo cáo tháng, quý, 06 tháng, báo cáo năm và ban hành chương trình, kế hoạch chỉ đạo 06 tháng, quý, năm về lãnh đạo công tác xây dựng Đoàn và phong trào thanh niên, công tác tuyên truyền-giáo dục trong Đoàn; các phong trào, chương trình chỉ đạo của cấp trên; báo cáo sơ, tổng kết và đề ra chương trình, nhiệm vụ tiếp tục triển khai thực hiện các nghị quyết, kế hoạch, kết luận…; ban hành các văn bản chuyên đề để lãnh đạo, chỉ đạo trên một số lĩnh vực quan trọng; chương trình hành động, chương trình công tác toàn khóa…nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đoàn và thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chấp hành  Đoàn Khối.

4- Chuẩn bị nội dung tiến hành Đại hội Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh  Khối: Báo cáo tình hình xây dựng phương hướng nhiệm vụ, dự kiến nhân sự Ban chấp hành khóa mới (hoặc bổ sung ủy viên Ban chấp hành), thời gian triệu tập Đại hội theo sự chỉ đạo của cấp trên.

5- Quyết định ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Đoàn Khối.

         Điều 3: Trách nhiệm và quyền hạn của Ban Thường vụ Đoàn Khối:

          Ban Thường vụ Đoàn Khối có trách nhiệm thay mặt Ban chấp hành lãnh đạo mọi mặt công tác giữa các kỳ hội nghị Ban chấp hành, có trách nhiệm và quyền hạn như sau:

          1- Xây dựng kế hoạch cụ thể để lãnh đạo việc tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện ở các cơ sở đoàn trong toàn Khối. Từng Nghị quyết, Quyết định, kế hoạch phải có quy định thời gian, trách nhiệm của từng tổ chức cơ sở đoàn và cán bộ đoàn trong việc theo dõi, tổ chức thực hiện. Chuẩn bị nội dung và triệu tập các kỳ họp Ban chấp hành, lãnh đạo việc chuẩn bị các đề án, kế hoạch đưa ra Ban chấp hành thảo luận và quyết định.

          2- Đề ra giải pháp, biện pháp lãnh đạo xây dựng Đoàn và phong trào thanh niên. Quyết định việc chia tách, sáp nhập, lập mới tổ chức cơ sở đoàn.

          3- Chuẩn y kết quả bầu cử Ban chấp hành đoàn cơ sở. Chuẩn y hoặc quyết định thi hành kỷ luật cán bộ, đoàn viên thuộc thẩm quyền theo quy định.

          4- Báo cáo hoạt động và những việc đã làm trước Ban chấp hành theo định kỳ. Thay mặt Ban chấp hành báo cáo kết quả hoạt động lên cấp trên và thông báo cho các đồng chí ủy viên Ban chấp hành và cơ sở đoàn biết, nêu những vấn đề cần thiết để cấp dưới thảo luận đóng góp ý kiến (nếu xét thấy cần).

Điều 4: Trách nhiệm và quyền hạn của Thường trực Đoàn Khối (gồm Bí thư và các Phó Bí thư Đoàn Khối)

1- Chuẩn bị chương trình, nội dung cho kỳ họp Ban Thường vụ và họp Ban Chấp hành Đoàn Khối theo Quy chế làm việc, sự chỉ đạo của cấp trên và yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra phải giải quyết; quyết định triệu tập và chủ trì hội nghị Ban Thường vụ; trình các nội dung (báo cáo, kế hoạch, các văn bản và nội dung cần thiết khác) để Ban Thường vụ thảo luận, quyết định. Thay mặt Ban Thường vụ chuẩn bị chương trình, nội dung và trực tiếp làm việc với lãnh đạo cấp trên (nếu được yêu cầu).

2- Thay mặt Ban Thường vụ phối hợp hoạt động giữa các cơ quan cấp ủy Đảng, các đoàn thể, các cơ quan có liên quan trong việc triển khai quán triệt, cụ thể hóa, tổ chức thực hiện có liên quan đến công tác Đoàn và phong trào Thanh niên.

3- Chỉ đạo giải quyết công việc hằng ngày của cơ quan Đoàn Khối, những vấn đề đột xuất, nảy sinh giữa 02 kỳ họp của Ban Thường vụ  Đoàn Khối. Khi giải quyết công việc có liên quan đến lĩnh vực do đồng chí ủy viên Thường vụ hoặc ủy viên Ban chấp hành nào phụ trách, thì trao đổi ý kiến với đồng chí đó trước khi quyết định và báo cáo lại với Ban thường vụ trong phiên họp gần nhất.

4- Thay mặt Ban Thường vụ giải quyết những công việc theo sự chỉ đạo của Tỉnh đoàn, theo Quy chế làm việc của Đoàn Khối và những công việc được Ban Thường vụ ủy quyền (nếu có).

5- Ký các quyết định kiểm tra, giám sát, kỷ luật đối với cán bộ do Ban Thường vụ Đoàn Khối quản lý trong việc thực hiện công tác Đoàn và phong trào thanh niên; các báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề, chương trình chỉ đạo hằng tháng và một số văn bản chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ cụ thể theo chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh đoàn hoặc nhằm đôn đốc thực hiện các nhiệm vụ của Ban Chấp hành và Ban Thường vụ  Đoàn Khối.

6- Thường trực Đoàn Khối mỗi tháng họp 02 lần vào đầu tháng và giữa tháng, họp đột xuất khi có yêu cầu. Báo cáo Ban Thường vụ trong phiên họp gần nhất về kết quả giải quyết công việc giữa 02 kỳ họp của Ban Thường vụ và các công việc được Ban Thường vụ ủy quyền và những vấn đề phát sinh cần chỉ đạo.

          Điều 5: Trách nhiệm và quyền hạn các Ủy viên Ban chấp hành (kể cả Bí thư, Phó bí thư, Ủy viên Thường vụ  Đoàn Khối):

          1- Tham gia lãnh đạo tập thể, thảo luận, biểu quyết các vấn đề ở hội nghị Ban chấp hành. Có trách nhiệm tham gia xây dựng Đoàn và phong trào thành niên về chính trị, tư tưởng, tổ chức cơ sở mình phụ trách và xây dựng chi đoàn, đoàn cơ sở nơi mình sinh hoạt được vững mạnh.

          2- Quán triệt và gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh các Nghị quyết của Đảng, của Đoàn cấp trên và cấp mình; lãnh đạo cán bộ đoàn, đoàn viên tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết, Chỉ thị đó ở cơ sở và lĩnh vực mình phụ trách. Giữ gìn kỷ luật phát ngôn, Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Ban chấp hành.

          3- Thường xuyên liên hệ với đoàn viên và thanh niên, qua đó mà đề xuất với Ban chấp hành, Ban thường vụ những vấn đề cần phải giải quyết. Có trách nhiệm đề xuất với Ban chấp hành, trong việc tham gia xây dựng nghị quyết, chương trình, kế hoạch của Ban chấp hành Đoàn Khối, trước hết là ở lĩnh vực, cơ sở  mình phụ trách; tham gia chuẩn bị các đề án hoặc văn kiện theo sự phân công của Thường trực Đoàn Khối, tích cực tham gia thảo luận, tranh luận trong nội bộ Ban chấp hành và tham gia ý kiến vào các chương trình, kế hoạch, các đề án do ban thường vụ gởi xin ý kiến.

          4- Các ủy viên Ban chấp hành có trách nhiệm lãnh đạo cơ sở đoàn mình, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, của đoàn cấp trên. Khi giải quyết công việc, không lấy danh nghĩa thay mặt Ban thường vụ Đoàn Khối, trừ trường hợp được Ban Thường vụ ủy nhiệm.

Điều 6: Trách nhiệm và quyền hạn của Bí thư  Đoàn Khối:

1- Là người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng uỷ Khối, Ban Chấp hành Tỉnh đoàn và Nghị quyết Đại hội Đoàn Khối lần thứ VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022. Nghiên cứu đề xuất và quyết định những chủ trương, giải pháp có liên quan đến công tác xây dựng Đoàn và phong trào thanh niên vững mạnh. Thay mặt Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn Khối ký các Nghị quyết, quyết định, báo cáo, tờ trình và các văn bản quan trọng khác của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ  Đoàn Khối.

2- Chỉ đạo việc chuẩn bị và chủ trì các kỳ họp của Ban Thường vụ, cùng với Ban Thường vụ chủ trì các kỳ họp Ban Chấp hành; làm tốt vai trò trung tâm đoàn kết trong Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đoàn Khối. Nắm vững đường lối, quan điểm, nghị quyết của Đảng, của Đoàn đề xuất những vấn đề lớn để Ban Chấp hành, Ban Thường vụ quyết định và chỉ đạo thực hiện các nghị quyết, chủ trương ấy. Trực tiếp phối hợp, liên tịch với các ngành có liên quan để đẩy mạnh công tác Đoàn và phong trào thanh niên.

          Điều 7: Trách nhiệm, quyền hạn của các Phó Bí thư  Đoàn Khối:

  1- Phó Bí thư kiêm Bí thư Đoàn cơ sở Bệnh viện đa khoa :

Thay mặt Bí thư khi Bí thư vắng, giải quyết các công việc do Bí thư ủy nhiệm, trực tiếp phụ trách mảng công tác đoàn và phong trào thanh niên giúp đồng chí Bí thư điều hành Văn phòng Đoàn. Trực tiếp chịu trách nhiệm chính trước Ban Chấp hành, cấp uỷ về công tác Đoàn và phong trào thanh niên của Khối, có trách nhiệm giúp đồng chí Bí thư điều hành mảng hoạt động các phong trào hành động cách mạng. Chịu trách nhiệm giải quyết, điều hành công việc theo chương trình, kế hoạch hoặc đột xuất. Trực tiếp chỉ đạo công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở cơ sở.

          2- Phó bí thư Đoàn Khối kiêm Bí thư đoàn Sở Nông nghiệp - PTNT

Trực tiếp chịu trách nhiệm chính trước BCH Đoàn Khối về theo dõi công tác công tác tuyên truyền giáo dục của Đoàn và phong trào thanh niên; giải quyết, điều hành công việc theo chương trình, kế hoạch của Ban Thường vụ Đoàn Khối.  Có trách nhiệm giúp đồng chí Bí thư tổng hợp các báo cáo tháng, quý, năm, các số liệu thống kê hằng năm và các chỉ tiêu nghị quyết đặt ra trong nhiệm kỳ. Báo cáo kết quả thông qua các kỳ họp Ban Chấp hành và Ban thường vụ Đoàn Khối. Phối hợp liên tịch với các ngành có liên quan tổ chức thực hiện tốt trong công tác giáo dục truyền thống và vận động các nguồn quỹ của Đoàn.

Điều 8: Các Ủy viên Thường vụ Đoàn Khối có trách nhiệm và quyền hạn:

1- Tham gia lãnh đạo tập thể, thảo luận và biểu quyết các vấn đề ở hội nghị Ban Thường vụ. Chịu trách nhiệm tổ chức chỉ đạo thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đoàn (của Trung ương Đoàn, của Tỉnh Đoàn và của cấp mình).

          2- Các ủy viên Thường vụ phụ trách cơ sở đoàn cùng với cơ sở đoàn mình, là người chịu trách nhiệm giải quyết công việc trong lĩnh vực phụ trách, những vấn đề vượt quá thẩm quyền hoặc xét thấy cần thì xin ý kiến Thường trực hoặc Ban Thường vụ để giải quyết.

          3- Các ủy viên Thường vụ khi giải quyết công việc hàng ngày ở cơ sở mình, lĩnh vực mình phụ trách, không lấy danh nghĩa Ban Thường vụ (trừ khi được Ban thường vụ ủy nhiệm).

          4- Các Ủy viên Ban Thường vụ được phân công theo dõi chỉ đạo cơ sở đoàn, hàng tháng cần có thời gian thích hợp xuống cơ sở, nắm vững tình hình trao đổi góp ý với Ban chấp hành hoặc cấp ủy tại các cơ sở đoàn được phân công theo dõi, quản lý và chỉ đạo về biện pháp công tác đoàn để thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đoàn hoặc những vấn đề bức xúc ở tại cơ sở và thường xuyên báo cáo kết quả hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên tại cơ sở đó với Ban Thường vụ Đoàn Khối.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ PHƯƠNG PHÁP CÔNG TÁC

Điều 9. Hội nghị Ban Chấp hành Đoàn Khối

1- Ban Chấp hành Đoàn Khối họp thường lệ 03 tháng 01 lần. Khi thấy cần hoặc khi có hơn 1/2 số Ủy viên Ban Chấp hành đề nghị thì Ban Thường vụ quyết định triệu tập hội nghị Ban Chấp hành bất thường. Trong một số trường hợp, do thời gian gấp, không kịp xin ý kiến Ban Thường vụ hoặc do yêu cầu đột xuất thì ủy nhiệm cho Thường trực Đoàn Khối triệu tập hội nghị Ban Chấp hành.

2- Tùy tính chất, nội dung, yêu cầu của kỳ họp, Ban Thường vụ có thể triệu tập hội nghị Ban Chấp hành mở rộng; thành phần mở rộng do Ban Thường vụ quyết định và báo cáo với Ban Chấp hành tại hội nghị. Các đại biểu thuộc thành phần mở rộng, thành phần được mời dự họp được phát biểu ý kiến tại hội nghị nhưng không có quyền biểu quyết.

3- Ban Thường vụ có trách nhiệm chuẩn bị nội dung hội nghị Ban Chấp hành; xác định rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phạm vi của mỗi hội nghị; phân công một hoặc một số ủy viên Ban Thường vụ thông qua các nội dung mình phụ trách trước hội nghị và có trách nhiệm giải trình những ý kiến do hội nghị đặt ra.

4- Các ủy viên Ban Chấp hành và các đại biểu được mời tham dự hội nghị Ban Chấp hành phải thực hiện đúng thành phần và kỷ luật phát ngôn; phải đến dự đầy đủ, đúng giờ, nếu vắng mặt phải báo cáo và chỉ được vắng khi có ý kiến đồng ý của Thường trực Đoàn Khối.

Điều 10: Hội nghị Ban Thường vụ  Đoàn Khối

1- Ban Thường vụ Đoàn Khối làm việc theo chương trình công tác hàng tháng; mỗi tháng họp 1 lần và họp bất thường khi có yêu cầu và phải có ít nhất 2/3 tổng số ủy viên Ban Thường vụ tham dự, do Thường trực Đoàn Khối triệu tập, thời gian họp vào ngày 14 hàng tháng.

2- Họp Ban Thường vụ do Thường trực Đoàn Khối chủ trì, trực tiếp là đồng chí Bí thư Đoàn Khối hoặc Phó Bí thư Đoàn Khối (khi được Bí thư ủy nhiệm) điều hành cuộc họp; chương trình cuộc họp do Thường trực Đoàn Khối đề nghị và Ban Thường vụ Đoàn Khối thông qua.

3- Thường trực Đoàn Khối có trách nhiệm chuẩn bị chương trình, nội dung cuộc họp Ban Thường vụ; xác định rõ nội dung, yêu cầu của mỗi cuộc họp.

4- Tại cuộc họp, Ban Thường vụ chủ yếu là nghe báo cáo những nội dung quan trọng, những vấn đề còn ý kiến khác nhau cần tập trung thảo luận để quyết định; còn các nội dung khác tự nghiên cứu để tham gia ý kiến, trường hợp thật cần thiết mới đọc lại toàn văn các văn bản.

Giao đồng chí Phó Bí thư Đoàn Khối (kiêm Bí thư Đoàn cơ sở Sở Nông nghiệp) ghi biên bản và phục vụ việc hoàn chỉnh các văn bản thông qua trong cuộc họp. Đối với các đồng chí ủy viên Ban Thường vụ vắng mặt tại cuộc họp và có trách nhiệm gởi tài liệu để đồng chí đó góp ý kiến trực tiếp vào văn bản, sau đó tổng hợp báo cáo với Thường trực Đoàn Khối cho ý kiến xử lý.

5- Ban Thường vụ Đoàn Khối biểu quyết bằng hình thức thích hợp đối với những vấn đề quan trọng có ý kiến khác nhau. Việc biểu quyết phải trên 1/2 tổng số ủy viên Ban Thường vụ tán thành mới có giá trị.

          Điều 11: Chế độ làm việc của Thường trực  Đoàn Khối

          1- Chế độ họp định kỳ: Cuối tháng Thường trực Đoàn Khối trao đổi bàn bạc sắp sếp công việc, phân công để tổ chức điều hành, chủ trì họp lệ cơ quan.

          2- Khi cần thiết, Thường trực Đoàn Khối có thể chủ động họp lệ cơ quan bất thường.

          Điều 12: Chế độ làm việc của uỷ viên Ban Thường vụ và uỷ viên Ban Chấp hành  Đoàn Khối:

          Các ủy viên Ban Thường vụ, Ban Chấp hành phải thực hiện nghiêm chế độ hội họp, nếu vắng phải có lý do chính đáng và phải báo cáo với Thường trực Đoàn Khối. Hàng tháng phải dành thời gian xuống cơ sở để nắm bắt tình hình và cùng với cơ sở kịp thời tháo gỡ khó khăn theo trách nhiệm được phân công.

CHƯƠNG IV

MỐI QUAN HỆ LÀM VIỆC

Điều 13:  Mối quan hệ với Đoàn cấp trên:

           Là mối quan hệ cấp trên ngành dọc, Đoàn Khối chịu sự lãnh đạo hướng dẫn của Tỉnh đoàn về công tác Đoàn và phong trào thanh niên. Tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch giúp cho Ban Chấp hành, Ban Thường vụ triển khai thực hiện chế độ thông tin báo cáo cho Tỉnh đoàn theo quy định.

          Điều 14: Mối quan hệ với cấp uỷ:

          1- Cấp uỷ cùng cấp: Đoàn Khối chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Đảng uỷ Khối và đồng chí trưởng Ban Dân Vận, báo cáo thông tin hàng tháng công tác Đoàn và phong trào thanh niên, họp báo cáo định kỳ theo quy chế làm việc của BCH Đảng ủy Khối (hàng quý).

          2- Cấp uỷ cơ sở: Quan hệ Đoàn Khối với các chi - Đảng bộ trong Khối là mối quan hệ phối hợp cùng chỉ đạo cơ sở Đoàn.

          Điều 15: Mối quan hệ với chính quyền: Là mối quan hệ phối hợp, tích cực hỗ trợ hoàn thành nhiệm vụ chính trị của Ban Chấp hành Đảng ủy Khối .

          Điều 16: Mối quan hệ với các ngành, đoàn thể cùng cấp: Là mối quan hệ phối hợp, đảm bảo chặt chẽ, tích cực hỗ trợ cùng với các ban ngành, đoàn thể hoàn thành nhiệm vụ chung.

CHƯƠNG V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

          Điều 17: Các đồng chí ủy viên Ban Chấp hành, Ban thường vụ Đoàn Khối khóa VI, nhiệm kỳ 2017 - 2022 theo chức năng có trách nhiệm thực hiện tốt quy chế này. Giao cho Uỷ ban Kiểm tra Đoàn Khối theo dõi, báo cáo việc thực hiện quy chế trước Ban chấp hành  Đoàn Khối.

          Tùy tình hình thực tế hoặc có yêu cầu của ủy viên Ban Chấp hành Đoàn Khối, quy chế này sẽ được chỉnh sửa, bổ sung cho phù hợp.

          Quy chế này đã được hội nghị Ban chấp hành Đoàn Khối thông qua ngày 14   tháng 9 năm 2017.       

                                                                    

                                                   TM. BAN CHẤP HÀNH ĐOÀN KHỐI                                             

  Nơi nhận:                                                         BÍ THƯ

- TT Tỉnh đoàn;

- TT  Đảng uỷ;

- Uỷ viên BCH Đoàn Khối khóa VI;                    (Đã ký)

- Các cơ sở Đoàn trực thuộc;

- Lưu VP.                                                                                              

                                                              Nguyễn Thị Trà My

 

Tải file tại đây: /userfiles/files/Quy%20che%20lam%20viec%20cua%20BCH%20Kh%E1%BB%91i%20NK%202017-2022.doc


Tin liên quan