Số lần đọc: 358
Ngày 14/10/2022, tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp tổ chức Hội thảo phổ biến các quy trình kỹ thuật thuộc dự án: “Thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cá chạch lấu (Mastacemnelus favus) tại tỉnh Kiên Giang”.
Năm 2019 Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kiên Giang đã phê duyệt Dự án “Thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cá chạch lấu (Mastacembelus favus) tại tỉnh Kiên Giang” do Trường Đại học An Giang chủ trì thực hiện với mục tiêu thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cá chạch lấu tại tỉnh Kiên Giang nhằm phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện quy trình kỹ thuật về sinh sản nhân tạo, ương giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu, góp phần bảo vệ nguồn lợi cá tự nhiên, bảo tồn nguồn gen và đa dạng hóa đối tượng nuôi cho người dân và phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang. Trên cơ sở đó, Trung tâm Khoa học, Công nghệ và Môi trường tỉnh Kiên Giang được giao nhiệm vụ phối hợp, tiếp nhận công nghệ và triển khai tại Trại Thực nghiệm Khoa học và Công nghệ Mong Thọ tại ấp Phước Ninh, xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang.
Cá chạch lấu được nuôi vỗ trong giai đặt trong ao, được cho ăn bằng thức ăn công nghiệp và trùng quế. Mùa vụ sinh sản trong năm bắt đầu từ tháng 4-8, tập trung vào tháng 6-7, Tỷ lệ cá sống sau khi thuần dưỡng từ 20-30%, tỷ lệ thành thục sau khi nuôi vỗ >80%, tỷ lệ đẻ ≥ 80%. Chất kích thích sinh sản được sử dụng là HCG kết quả cho thấy HCG hiệu ứng tốt trên cá chạch lấu. Thời gian hiệu ứng thuốc ở cá chạch lấu 36 - 40 giờ ở nhiệt độ 28-31°C. Trứng cá được gieo tinh bằng phương pháp nửa khô và ấp dính trên khung lưới. Tỷ lệ thụ tinh ≥ 50%, tỷ lệ cá nở đạt ≥ 98%, tỷ lệ sống từ cá bột lên cá giống (8-10 cm/con) ≥20%. Thức ăn trong giai đoạn ương là Moina, trùn chỉ và thức ăn công nghiệp. Tỷ lệ sống cá nuôi thương phẩm sau 12 tháng đạt 70% có trọng lượng từ 200-300g/con.
Trong khuôn khổ nội dung triển khai của dự án, vào lúc 14h ngày 14/10/2022 tại Hội trường Ủy ban nhân dân xã Mong Thọ B, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang, đoàn viên chi đoàn Sở Khoa học và công nghệ cùng nhóm thực hiện dự án đã tổ chức buổi Hội thảo phổ biến các quy trình kỹ thuật thuộc dự án : “Thu thập, lưu giữ, bảo tồn nguồn gen cá Chạch lấu (Mastacemnelus favus) tại tỉnh Kiên Giang” đến người dân địa phương.
Tham dự buổi Hội thảo có đại diện của các phòng, đơn vị thuộc Sở KH&CN, UBND xã Mong Thọ B, các cá nhân quan đến nội dung dự án và các hộ nông dân tại địa phương.
Tại Hội thảo, các đoàn viên Chi đoàn Sở Khoa học và Công nghệ đã hỗ trợ nhóm thực hiện dự án hướng dẫn người dân một số quy trình kỹ thuật trong quá trình nhân giống và nuôi thương phẩm cá chạch lấu.
Ts. Phan Phương Loan - Chủ nhiệm dự án đã trình bày các mục tiêu và kết quả triển khai dự án. Nhìn chung, dự án cơ bản đã thực hiện các nội dung đảm bảo theo đề cương: (1) Điều tra, khảo sát và thu thập nguồn gen cá chạch lấu tại tỉnh Kiên Giang; (2) Xây dựng quy trình kỹ thuật sinh sản nhân tạo, ương giống và nuôi nhân tạo cá chạch lấu phù hợp với điều kiện tỉnh Kiên Giang; (3) Xây dựng quy trình kỹ thuật ương nuôi thức ăn tự nhiên để phục vụ ương giống cá chạch lấu; (4) Triển khai mô hình sinh sản nhân tạo, ương giống và nuôi thương phẩm các chạch lấu theo hướng bảo tồn; (5) Đào tạo kỹ thuật viên, phổ biến quy trình kỹ thuật cho người dân và xây dựng chuyên mục trên sóng Đài phát thanh và Truyền hình địa phương.
|
|
|
Qua Hội thảo, người dân địa phương cũng rất quan tâm đến các nội dung liên quan: giá thành con giống, kỹ thuật nuôi thương phẩm, giá thành và đầu ra sản phẩm,... Hội thảo cũng là cầu nối kết nối người dân địa phương và đoàn viên thanh niên, cán bộ kỹ thuật của dự án, góp phần hỗ trợ người dân phát triển mô hình nuôi trồng mới tại địa phương trong thời gian tới.
Lý Hương – Ủy viên BCH Chi đoàn Sở KH&CN
|