Số lần đọc: 595
(HCM.VN) - Đạo đức người làm báo cách mạng là một nội dung quan trọng trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh mang giá trị cả lý luận và thực tiễn sâu sắc, góp phần to lớn vào việc định hướng và đào tạo cho các thế hệ nhà báo Việt Nam đủ đức, tài, trở thành lực lượng xung kích trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức của người làm báo cách mạng. Người đã sáng lập nền Báo chí cách mạng Việt Nam, đã chăm lo gây dựng, dìu dắt và rèn luyện đội ngũ những người làm báo nước ta đồng thời là một nhà báo xuất sắc. Bác Hồ đã để lại cho chúng ta một di sản báo chí vô cùng quý báu với một hệ thống tư tưởng, quan điểm chỉ đạo sâu sắc về thực tiễn và lý luận nghiệp vụ báo chí cách mạng cùng hàng nghìn tác phẩm báo chí mẫu mực đã được xuất bản.
Cuộc đời hoạt động cách mạng của Người không tách rời hoạt động báo chí. Người làm báo là để làm cách mạng và đã trở thành một nhà báo cách mạng. Các tác phẩm báo chí của Người có nội dung vô cùng sâu sắc và hết sức mẫu mực về hình thức thể hiện, tạo nên một phong cách độc đáo-phong cách báo chí Hồ Chí Minh. Tư tưởng về đạo đức người làm báo của Bác có thể khái quát ở một số điểm chủ yếu sau:
Theo Bác, tiêu chuẩn đạo đức của nhà báo, là phương tiện điều chỉnh các mối quan hệ xã hội của nhà báo, mà phạm trù pháp luật không điều chỉnh được. Bởi, đạo đức báo chí không chỉ nằm trong phạm vi điều chỉnh thuộc các quy định của luật báo chí hiện hành, mà còn là ý thức, trách nhiệm và phương châm hành nghề của tất cả những người làm báo cách mạng.
Sinh thời, Bác Hồ dạy, “...Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương của Đảng, chính sách của Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động...”(1). Người chỉ rõ: “Cây bút, trang viết là vũ khí sắc bén của nhà báo. Với tư cách là một nhà báo cách mạng, Bác đã tự trau dồi đạo đức, phong cách của người chiến sĩ trên mặt trận báo chí và chính Người đã đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam. Vấn đề hàng đầu Người đòi hỏi các nhà báo là phải có phẩm chất chính trị vững vàng và theo đó phải có đạo đức tốt đẹp và trong sáng. Sống lành mạnh, trong sáng, không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi và làm trái phát luật.
Thứ nhất, người làm báo cách mạng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trước hết, người làm báo phải có lập trường kiên định vững vàng, luôn gắn bó với cán bộ, chiến sỹ, nhân dân; phải không ngừng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ lý luận, chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, trau dồi đạo đức nghề nghiệp để có đủ năng lực, kinh nghiệm làm việc một cách tốt nhất, hiệu quả nhất. Ngườihoạt động báo chí là hoạt động chính trị-xã hội, nên nhiệm vụ của báo chí là phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, nhà báo phải là chiến sĩ cách mạng trên mọi mặt trận. Do đó, lập trường chính trị vững chắc là tiêu chuẩn và là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi người làm báo. Bác yêu cầu người làm báo ''phải cố gắng học tập chính trị, nâng cao tư tưởng, đứng vững trên lập trường giai cấp vô sản...”(2). Tại Đại hội đại biểu lần thứ 2, Hội Nhà báo Việt Nam ngày 16/4/1959, Người nói: “Tất cả những người làm báo phải có lập trường chính trị vững chắc. Chính trị phải làm chủ, đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta phải có đường lối chính trị đúng”(3). Đến Đại hội đại biểu lần thứ 3 Hội nhà báo Việt Nam, Người chỉ rõ: “Nhiệm vụ của báo chí là phục vụ nhân dân, phục vụ cách mạng. Đó là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân ta, cũng là nhiệm vụ của báo chí ta”(4).
Thứ hai, người làm báo cách mạng luôn gắn bó với cán bộ, chiến sỹ, quần chúng nhân dân, sáng tạo các tác phẩm báo chí thiết thực, giữ bản sắc văn hoá, phục vụ quần chúng, cán bộ, chiến sỹ.
Bác Hồ coi báo chí vừa là một bộ phận cấu thành văn hoá, vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá văn hoá; vừa là đội quân tiên phong trong công tác tư tưởng-văn hóa. Người sớm nhận ra vai trò và tác động to lớn của báo chí trong đấu tranh cách mạng. Người nói, muốn viết báo thì: (1). Cần phải gần gũi dân chúng, cứ ngồi trong phòng giấy mà viết thì không thể viết thiết thực; (2). Ít nhất cũng phải biết một thứ tiếng nước ngoài để xem báo nước ngoài mà học kinh nghiệm của người ta; khi viết xong một bài, tự mình phải xem lại ba bốn lần, sửa chữa lại cho cẩn thận; tốt hơn nữa, là đưa nhờ một vài người xem và hỏi họ những câu nào, chữ nào không hiểu thì sửa lại cho dễ hiểu; (3). Luôn luôn gắng học hỏi, luôn luôn cầu tiến bộ. Người nói: “Kinh nghiệm của tôi là thế này: Mỗi khi viết một bài báo, thì đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong, thì nhờ anh em xem và sửa giùm”(5). Vì vậy, người làm báo cần xác định rõ đối tượng tiếp nhận thông tin trước khi cầm bút viết; nếu đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng, cán bộ, chiến sỹ thì văn phong báo chí phải “giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, hoạt bát”. Theo Bác, ngắn gọn không có nghĩa là cộc lốc mà là gọn gàng, rõ ràng, có đầu, có đuôi, có nội dung thiết thực. Muốn viết được trong sáng, giản dị, dễ hiểu thì nhà báo phải học cách nói của quần chúng, của bộ đội; phải thực sự học quần chúng. Sự trong sáng, giản dị, dễ hiểu là bắt nguồn từ sự hiểu biết thấu đáo về bản chất của sự vật, từ sự gắn bó với truyền thống dân tộc, quân đội trong cách cảm, nếp nghĩ. Người không những am hiểu ngôn từ của nhiều dân tộc mà còn là bậc thầy về sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt. Người khẳng định: “Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu”. Bởi vì, với đối tượng là quần chúng và mục đích là vì nhiệm vụ cách mạng, thì tính phổ thông, dễ hiểu là cách giao tiếp chủ yếu, công việc đó là để phục vụ đại bộ phận quần chúng nhân dân.
Thứ ba, người làm báo cách mạng trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh coi tính trung thực của nhà báo là một tiêu chuẩn đạo đức rất quan trọng trong hoạt động nghề nghiệp báo chí. Đồng thời, Người cũng đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan, không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Người cho rằng “một tờ báo mà không được đại đa số quần chúng ham muốn thì không xứng đáng là một tờ báo”.
Nhà báo chân chính phải chuyên nghiệp trong cách hành nghề, phải trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật. Người nói: “Không biết rõ, hiểu rõ, chớ nói, chớ viết. Khi không có gì cần nói, không có gì cần viết, chớ nói, chớ viết càn” và “chưa điều tra, chưa nghiên cứu, chưa biết rõ, chớ nói, chớ viết”(6). “Không nên chỉ viết cái tốt và giấu đi cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại... Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành, đúng đắn”(7). Người đòi hỏi các nhà báo trong mọi trường hợp khen cũng như chê đều với động cơ trong sáng, khách quan; không thể viết báo vì mục đích vụ lợi, cá nhân, ích kỷ. Báo chí phải phản ánh đúng những ý kiến xây dựng của nhân dân; nói lên tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của dân đối với công cuộc xây dựng đất nước; báo chí phải chống nạn tham ô, tham nhũng, buôn lậu; chống lại tội ác và các tệ nạn xã hội; chống lại những biểu hiện tha hóa, sa sút về phẩm chất, đạo đức và lối sống. Báo chí phải đem đến cho công chúng niềm tin ở sự thật, tin ở sự nghiêm minh của pháp luật, đặc biệt tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tin vào chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống cách mạng của nhân dân ta. Người làm báo cách mạng không những phải làm tròn trách nhiệm nghĩa vụ của một người quân nhân cách mạng mà phải gương mẫu chấp hành pháp luật, làm tròn nghĩa vụ công dân, làm tốt trách nhiệm xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Đại hội III Hội Nhà báo Việt Nam (9/1962). Ảnh tư liệu
Thứ tư, người làm báo cách mạng nêu cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khiêm tốn cầu tiến bộ.
Tự phê bình và phê bình là vấn đề rất quan trọng, là một trong những quy luật phát triển của Đảng và là nguyên tắc, chế độ thường xuyên trong tổ chức và sinh hoạt Đảng. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy: “Đảng cách mạng cần tự phê bình và phê bình như ta cần không khí”(8); cũng như người có bệnh, nếu giấu giếm bệnh tật trong mình không dám uống thuốc, để bệnh ngày càng nặng thêm, nguy đến tính mạng; “mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi ngày phải tự kiểm điểm, tự phê bình, tự sửa chữa như mỗi ngày phải rửa mặt. Được như thế thì trong Đảng sẽ không có bệnh, mà Đảng sẽ mạnh khoẻ vô cùng”(9). Làm báo cũng vậy, Bác thường nhắc nhở cán bộ, nhà báo, phóng viên các báo, đài phải luôn luôn có thái độ cầu thị nghiêm túc, trung thực trong tự phê bình và phê bình. Bác viết: Dưới chế độ dân chủ, thì mọi người trước hết là mọi cán bộ, đảng viên, mọi cơ quan và đoàn thể cần phải thật thà tự phê bình và hoan nghênh người khác phê bình mình; có như vậy mới tiến bộ được.
Làm việc với cán bộ Ban Tuyên huấn Trung ương Đảng (6/1968) về việc xuất bản loại sách người tốt, việc tốt, Người dạy: “... Các chú nhớ ở trang đầu mỗi cuốn sách đều phải ghi một câu: “Hoan nghênh bạn đọc phê bình”. Người căn dặn: “Sẵn đây, nếu các cô, các chú đồng ý, thì Bác xung phong phê bình các báo: - Bài báo thường quá dài… Thường nói một chiều và đôi khi thổi phồng các thành tích, mà ít hoặc không nói đúng mức đến khó khăn và khuyết điểm của ta”(10).
Thứ năm, người làm báo cách mạng tiên phong “bút chiến” chống “diễn biến hoà bình” trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá và lý luận.
Thời gian gần đây, các thế lực thù địch tiếp tục thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, sử dụng các chiêu bài “dân chủ”, “nhân quyền” hòng làm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta. “Tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trên lĩnh vực tư tưởng chính trị, văn hóa diễn ra rất phức tạp, đa dạng, nhiều cấp độ, trong đó cấp độ cao nhất là sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về: “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ”. Trong đó, Đảng ta chỉ rõ sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Đảng là nguy hiểm khôn lường. Các thế lực thù địch, cơ hội chính trị thường xuyên tung ra những luận điệu, quan điểm sai trái xuyên tạc, phủ nhận nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng,… Những nhận định của Đảng ta, cùng với diễn biến thực tế tình hình chính trị, xã hội của đất nước trong những năm gần đây là cơ sở để những người làm báo cách mạng nhận thức sâu sắc hơn diễn biến hòa bình là một nguy cơ thực tế, không thể xem thường; trực tiếp đe dọa sự ổn định và phát triển của đất nước. Đồng thời, chủ động, tích cực đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch là một nhiệm vụ vừa cơ bản, vừa cấp thiết của toàn Đảng, toàn quân và của cả hệ thống chính trị hiện nay.
Người làm báo cách mạng tiên phong trong việc đấu tranh bảo vệ, giữ vững nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là điều kiện tiên quyết. Những người làm báo cần kiên quyết bảo vệ Cương lĩnh, đường lối chính trị của Đảng, đặc biệt là mục tiêu, lý tưởng, con đường mà Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta đã lựa chọn. Đấu tranh bảo vệ nguyên tắc tổ chức và hoạt động, mối quan hệ giữa các thiết chế quyền lực của nhà nước XHCN; có biện pháp thiết thực củng cố và phát triển mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với các thành tố trong hệ thống chính trị và nhân dân. Phát hiện kịp thời chỉ rõ những tư tưởng, văn hóa xấu độc xâm nhập vào Việt Nam...
Để làm tốt vai trò nhiệm vụ của mình trong cuộc đấu tranh chống diễn biến hòa bình, nhà báo cách mạng và hệ thống thông tin đại chúng nói chung phải đủ mạnh mới có thể thực hiện tốt các yêu cầu đề ra. Muốn vậy, lực lượng nòng cốt, đội quân chủ lực và tiên phong là đội ngũ phóng viên, biên tập viên cần phải được giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao phẩm chất đạo đức, trình độ nghề nghiệp của người làm báo là một việc rất quan trọng và cấp bách hiện nay.
Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách báo chí của Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi nhà báo cần có lập trường kiên định vững vàng trong mọi điều kiện; trước hết là ý thức và bản lĩnh chính trị của người làm báo cách mạng. Đó là ý thức về một lập trường chính trị cách mạng, là thái độ bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ XHCN, chủ động ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu hoạt động chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực chính trị, tư tưởng, văn hóa; kiên quyết chống lại sự phá hoại của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Đó là cơ sở cốt lõi để mỗi nhà báo báo cách mạng tự mình phấn đấu vượt lên, cống hiến toàn tâm, toàn lực cho sự nghiệp cách mạng. Học tập đạo đức báo chí Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ chiến sỹ xung kích trên mặt trận tư tưởng - văn hóa của Đảng, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ của người làm báo trong giai đoạn cách mạng mới, xứng đáng với niềm tin cậy của Đảng, của nhân dân./.
Chi đoàn cơ sở Đài PT&TH Kiên Giang (sưu tầm)
Nguồn: hochiminh.vn
|