Đoàn Khối Các Cơ Quan Doanh nghiệp tỉnh Kiên Giang
Liên kết website
Số lần đọc: 13555
Về tự nhiên, Kiên Giang là Tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, có tiềm năng phát triển các ngành nông lâm ngư, công nghiệp và du lịch. Nhìn chung đất đai của Tỉnh Kiên Giang rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.

1. Đất đai

Về tự nhiên, Kiên Giang là Tỉnh có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, có tiềm năng phát triển các ngành nông lâm ngư, công nghiệp và du lịch. Tổng diên tích đất tự nhiên của Kiên Giang là 634.627,21 ha, trong đó:

+ Nhóm đất nông nghiệp 575.697,49 ha chiếm 90,71% đất tự nhiên (riêng đất lúa 354.011,93 ha chiếm 61,49% đất nông nghiệp);

+Nhóm đất phi nông nghiệp 53.238,38 ha, chiếm 8,39% diện tích tự nhiên;

+ Nhóm đất chưa sử dụng 5.691,34 ha, chiếm 0,90% diện tích tự nhiên;

+ Đất có mặt nước ven biển 13.781,11 ha (là chỉ tiêu quan sát không tính vào diện tích đất tự nhiên).

Nhìn chung đất đai của Tỉnh Kiên Giang rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên để xây dựng công nghiệp, giao thông, bố trí dân cư cần chú ý gia cố bồi đắp nền.

Về mặt thổ nhưỡng, Kiên Giang có các nhóm đất sau:

+ Nhóm đất phù sa: phân bố chủ yếu ở vùng Tây sông Hậu. Đây là nhóm đất thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, có thể canh tác nhiều loại cây trồng (lúa màu, cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả). Đất có hàm lượng độ phì tương đối cao và cân đối, ít có những hạn chế về mặt hóa học đất đối với sinh trưởng của cây trồng, sa cấu mịn với thành phần cơ giới chủ yếu là đất sét, khả năng đáp ứng với phân bón tốt, có mức thuần thục cao.

+ Nhóm đất phèn: phân bố ở vùng Tứ Giác Long Xuyên và vùng trũng trung tâm Bán đảo Cà Mau. Đặc trưng của các loại đất phèn là hàm lượng độc tố cao, tính chất cơ lý yếu, nứt nẻ nhanh chóng khi bị khô ráo. Có thể chia thành các loại: đất phèn nặng, phèn trung bình và phèn nhẹ.

+ Nhóm đất mặn: phân bố dọc theo ven biển, chịu ảnh hưởng của sự xâm nhập nước biển vào hệ thống sông rạch, thường được rửa mặn nhanh chóng ở lớp đất mặt vào mùa mưa. Đất có độ phì tự nhiên khá lớn nhưng hạn chế chủ yếu là hàm lượng muối cao trong mùa khô.

+ Các nhóm đất khác: đất xám, đất cát giồng, than bùn, đất đỏ vàng,… chiếm diện tích rất nhỏ.

 

2. Tài nguyên nước:

Nguồn nước mặt khá dồi dào, nhưng đến mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 10) phần lớn nước mặt của tỉnh đều bị nhiễm phèn mặn, do vị trí ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu, nhưng lại ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Rạch Giá.

Ngoài ra ở đảo Phú Quốc còn có đá huyền và ở Hà Tiên có đá hoa cương, thạch anh có thể làm hàng thủ công mỹ nghệ. Nguồn nước mặt khá dồi dào, nhưng đến mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 7) phần lớn nước mặt của tỉnh đều bị nhiễm phèn mặn, do là một tỉnh ở cuối nguồn nước ngọt của nhánh sông Hậu, nhưng lại là tỉnh ở đầu nguồn nước mặn của vịnh Rạch Giá.

Toàn tỉnh có 3 con sông chảy qua: Sông Cái Lớn (60 km), sông Cái Bé (70 km) và sông Giang Thành (27,5 km) chủ yếu để tiêu nước về mùa lũ và giao thông đi lại, đồng thời có tác dụng tưới nước vào mùa khô ở một số vùng như huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Châu Thành, một phần Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, Gò Quao… Ngoài ra tỉnh có hệ thống kênh rạch, những kênh rạch này có nhiệm vụ tiêu úng, sổ phèn, giao thông đi lại, bố trí dân cư đồng thời có tác dụng dẫn nước ngọt từ sông Hậu về vào mùa khô phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.

Nguồn nước ngầm: Theo điều tra của Liên đoàn địa chất 8, tỉnh Kiên Giang có 7 phức hệ chứa nước, trong đó chỉ có phức hệ chứa nước pleiston xen (QI - III) là đối tượng trực tiếp cung cấp nước cho sinh hoạt và ăn uống gồm các huyện An Biên, Vĩnh Thuận, Gò Quao, một phần huyện An Minh giáp với An Biên, một phần huyện Giồng Riềng giáp với Châu Thành và một phần của huyện Tân Hiệp.

 

3. Tài nguyên rừng:

Rừng là một nguồn tài nguyên quí của Tỉnh Kiên Giang. Trong thời gian qua, công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng được chú trọng nên diện tích rừng ngày càng tăng.

Cơ cấu cây rừng gồm: cây gỗ lớn 38.500 ha chủ yếu trên đảo Phú Quốc, cây mắm đước 2.237 ha tập trung ở ven biển, cây tràm 46.137 ha ở vùng Bán Đảo Cà Mau, cây bạch đàn 25.711 ha tập trung ở vùng tứ giác Long Xuyên.

Rừng ở Kiên Giang có vai trò quan trọng trong giữ nguồn nước ngọt cho đảo Phú Quốc, bảo vệ môi trường sinh thái cho bán đảo Cà Mau, có giá trị lớn về mặt nghiên cứu động thực vật tự nhiên, lập các khu bảo tồn và phát triển du lịch sinh thái.

Hiện nay ở Kiên Giang được quy hoạch và bảo tồn 2 vườn Quốc gia là vườn Quốc gia U Minh Thượng (21.000ha) và Vườn quốc gia Phú Quốc (31.422 ha).

 

4. Tài nguyên hải sản:

Vùng biển Kiên Giang là một bộ phận của biển Tây Nam (Kiên Giang và Cà Mau) nằm trong vịnh Thái Lan chiếm khoảng 21% diện tích vịnh Thái Lan, tương đương với 63.300 km2. Đường bờ biển của Kiên Giang kéo dài từ Hà Tiên đến giáp Cà Mau gần 200km. Đây là vùng biển nhiều tiềm năng phát triển.

Vùng biển Kiên Giang là biển nông, độ sâu trung bình từ 50-55m, nơi sâu nhất khoảng 80m. Đáy biển khá bằng phẳng và thoai thoải, chất đáy chủ yếu là bùn và bùn cát. Độ sâu vùng biển Kiên Giang như sau:

+ Độ sâu từ 0-20m nước: diện tích khoảng 15.440 km2, chiếm 24,3%.

+ Độ sâu từ 20-50m nước: diện tích khoảng 33.960 km2, chiếm 22,9%.

+ Độ sâu trên 50m nước: diện tích khoảng 13.900 km2, chiếm 22,09%.

Hệ sinh vật biển Kiên Giang mang đặc điểm chung của hệ sinh vật biển nhiệt đới: đa dạng về loài, sinh trưởng nhanh, thành thục sớm, chu kỳ sống ngắn phổ thức ăn rộng, có sức sinh sản cao, diễn ra gần như quanh năm.

Tỉnh Kiên Giang có ngư trường khai thác rộng khoảng 63.000km2 với hơn 100 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều cửa sông, kênh rạch đổ ra biển mang theo nhiều nguồn thức ăn phong phú, cung cấp thức ăn cho các loài hải sản.

Theo điều tra của viện nghiên cứu biển Việt Nam, trữ lượng cá, tôm chiếm khoảng 200.000 tấn. Bên cạnh đó, vùng biển ở đây còn có nhiều loài hải sản có giá trị kinh tế cao như: mực, hải sâm, bào ngư, trai ngọc, sò huyết,…với trữ lượng lớn, điều kiện nuôi trồng và khai thác thuận lợi.

Trên địa bàn tỉnh có trên 11.000 phương tiện khai thác và thu mua hải sản, sản lượng đánh bắt hàng năm đạt trên 353.140 tấn, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến thủy sản hoạt động. Kiên Giang còn có những vùng nuôi tôm công nghiệp và bán công nghiệp tập trung ở Hà Tiên, Kiên Lương, Hòn Đất, An Minh, Vĩnh Thuận…Hàng năm cung cấp trên 31.200 tấn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến thủy sản hoạt động. bên cạnh con tôm tỉnh còn khuyến khích nông dân mở rộng nuôi cá da trơn. Vì vậy thủy sản là ngành có lợi thế hơn các tỉnh thành khác trong khu vực.

 

5. Nguồn lợi mặt nước nuôi trồng thủy sản:

Kiên Giang có 200km bờ biển và một hệ thống kênh rạch, sông ngòi chằng chịt là điều kiện và môi trường thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Kiên Giang có khả năng nuôi trồng nhiều loại thủy sản:

+ Nuôi cá nước ngọt trong ao, đầm, kết hợp nuôi cá trên ruộng, trong rừng tràm.

+ Nuôi cá nước lợ ven biển.

+ Nuôi nghêu, sò huyết, cua biển dọc theo bờ biển, bãi bồi ven biển.

+ Nuôi cá lồng, bè trên biển, chủ yếu ở huyện đảo Phú Quốc, Kiên Hải.

+ Nuôi các loại đặc sản như: đồi mồi, ngọc trai, rong biển.

Kiên Giang không giàu khoáng sản, song trữ lượng một số loại đã phát hiện rất có giá trị trong phát triển ngành công nghiệp, vật liệu xây dựng và thủ công mỹ nghệ.

 

6. Đá vôi

Kiên Giang là Tỉnh duy nhất ở Đồng Bằng Sông Cửu Long có nguồn đá vôi khá phong phú, không những có giá trị về sản xuất vật liệu xây dựng mà còn tạo ra những hang động và những thắng cảnh có ý nghĩa du lịch.

Đá vôi Kiên Giang bao gồm hơn 20 ngọn núi, được phân bố kéo dài 35km dọc bờ biển từ thị xã Hà Tiên đến huyện Kiên Lương.

Trữ lượng khoảng 440 triệu tấn, trong đó trữ lượng khai thác công nghiệp khoảng 245 triệu tấn. Chất lượng đá vôi tương đối tốt cho sản xuất xi măng. Cấu tạo các mỏ đá không phức tạp, dễ khai thác. 

 

7. Đất sét

Đất sét để sản xuất xi măng phân bố trên diện rộng ở khu vực Kiên Lương - Ba Hòn - Hòn Chông, có trữ lượng lớn, đảm bảo lâu dài cho sản xuất xi măng.

Đất sét làm gốm sứ chủ yếu trên đảo Phú Quốc ở các nơi thị trấn Dương Đông, ấp Khu Tượng và ấp Đất Đỏ.

Đất sét làm gốm nhẹ lửa phân bố chủ yếu ở Hòn Me huyện Hòn Đất.

 

 8. Đá xây dựng và đá ốp lát:

Đá xây dựng phân bố chủ yếu ở huyện Hòn Đất và Hà Tiên. Trữ lượng khoảng vài chục triệu m3

 


Tin liên quan